UBND tỉnh Thừa Thiên Huế trao giải thưởng Sáng tạo Nữ Cố đô Huế lần thứ I năm 2024

Chiều ngày 18/10, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức lễ tổng kết và Trao tặng Giải thưởng Sáng tạo Nữ Cố đô Huế lần thứ I. Đây là hoạt động chào mừng kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 – 20/10/2024) cùng với những đóng góp không ngừng nghỉ của các nhà khoa học nữ được xã hội ghi nhận và tôn vinh. Có 15 công trình và cụm công trình được xét tặng trao giải thưởng, trong đó có 2 cụm công trình và 3 công trình thuộc lĩnh vực khoa học kỹ thuật – tự nhiên, về lĩnh vực khoa học nông – lâm – ngư nghiệp có 1 cụm công trình và 2 công trình, lĩnh vực khoa học y dược có 1 cụm công trình và 2 công trình, lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn có 2 cụm công trình và 2 công trình. Trong đợt trao giải này, PGS. TS. Trương Thị Bích Phượng, Phó chủ tịch Ban chấp hành Hội sinh lý thực vật Việt Nam đã vinh dự là chủ nhiệm của một trong 15 công trình đạt giải.

Giải thưởng Sáng tạo nữ Cố đô Huế lần thứ I, năm 2024 là giải thưởng về khoa học và công nghệ, trao tặng cho tác giả của công trình khoa học và công nghệ, các sáng chế, giải pháp hữu ích, ý tưởng đổi mới sáng tạo xuất sắc có chủ nhiệm là nữ. Giải thưởng Sáng tạo nữ Cố Đô Huế là một trong hai giải thưởng của tỉnh Thừa Thiên Huế về Khoa học và Công nghệ được công bố tại Quyết định số 71/2020/QĐ-UBND ngày 31/12/2020.

PGS. TS. Trương Thị Bích Phượng là chủ nhiệm của cụm công trình: Ứng dụng công nghệ sinh học trong bảo tồn và phát triển một số cây dược liệu và cây gia vị họ gừng (Zingiberaceae), các kết quả thu được chính của cụm công trình bao gồm:
– Đã xây dựng được quy trình nhân giống cây gừng đen (Distichochlamys citrea) bằng kỹ thuật nuôi cấy in vitro và nhân giống bằng hom củ, và đã trồng thử nghiệm cây gừng đen ở xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, Đăng ký thành công trên GenBank 4 trình tự đoạn gene barcode ITS của gừng đen.
– Đã xác định môi trường tối ưu nhất cho sự hình thành vi củ nghệ Curcuma aromatica Salisb., tạo cơ sở cho đưa vi củ nghệ trắng ra trồng ngoài tự nhiên.
– Đã xác định được đặc điểm hình thái và đa dạng phân tử của các giống gừng trồng ở Huế, từ cây phả hệ dựa trên đoạn gene chỉ thị cho thấy gừng thu từ Thừa Thiên Huế có sự khác biệt so với mẫu tham chiếu trên GenBank. Đăng ký thành công trên GenBank 41 trình tự đoạn gene barcode của gừng gồm 25 trình tự rbcL; 5 trình tự matK, và 11 trình tự ITS. Đã xác định các biện pháp kỹ thuật trồng gừng, mô hình áp dụng các biện pháp kỹ thuật và xử lý chế phẩm cho cây gừng Huế, cho tỷ lệ nảy mầm, cây sinh trưởng khỏe, chiều cao cây, số lá, khối lượng củ/khóm, năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn so với đối chứng.
– Đã xây dựng được quy trình lên men lactic cho chất lượng sản phẩm gừng tốt nhất, đảm bảo chỉ tiêu chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.

Giải thưởng Sáng tạo nữ Cố đô Huế lần thứ nhất – năm 2024 không chỉ là ghi nhận những đóng góp to lớn của các nhà khoa học trong sự nghiệp phát triển chung của tỉnh Thừa Thiên Huế, mà còn tôn vinh vai trò của nữ giới, những người đã vượt qua nhiều rào cản, thách thức để dấn thân trên con đường nghiên cứu khoa học, đem lại những công trình hết sức có ý nghĩa, có giá trị thực tiễn cao và khẳng định uy tín, sức sáng tạo của nữ giới Thừa Thiên Huế trên bản đồ khoa học thế giới.